Giải quyết tranh chấp thương mại bằng phương thức Trọng tài Thương mại – Phán quyết trọng tài thương mại (Kỳ 4)
Hiện nay phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại ngày càng được các doanh nghiệp hoạt động thương mại lựa chọn, kể cả doanh nghiệp nước ngoài. Vì những ưu điểm của phương thức giải quyết tranh chấp này, như tính bảo mật trong giải quyết tranh chấp, thủ tục nhanh gọn, phương thức giải quyết tranh chấp thân thiện, các bên được chọn trọng tài viên, địa điểm phân xử, phán quyết trọng tài là chung thẩm…Tuy nhiên, việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với việc phán quyết trọng tài bị hủy một cách thiếu thuyết phục. Mặc dù số lượng phán quyết trọng tài bị hủy chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số phán quyết được thi hành nhưng nguy cơ phán quyết trọng tài bị hủy vẫn là nỗi lo của các doanh nghiệp khi lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp này cũng như là sự e ngại của các Trung tâm Trọng tài Thương mại khi ban hành phán quyết.
Ngày 26/3/2013, Hội đồng xét đơn TAND TP Cần Thơ đã tuyên hủy phán quyết trọng tài của Trung tâm Trọng tài thương mại TP Cần Thơ ngày 19/01/2013 về việc “tranh chấp giữa các cổ đông công ty với nhau và với công ty về việc góp vốn”. Trung tâm Trọng tài thương mại TP Cần Thơ ra phán quyết trọng tài số 05/2011/TTTTTMCT với nội dung “chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, công nhận bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là cổ đông sáng lập của Công ty Cổ phần xây dựng thương Mại và Địa ốc Hồng Loan với cổ phần là 25% vốn điều lệ của Công ty”.
Ngày 27/5/2019 TAND Tp. Cần Thơ đã ra quyết định về việc hủy phán quyết trọng tài của Trung tâm Trọng tài thương mại Cần Thơ giải quyết vụ tranh chấp giữa nguyên đơn là Công ty TNHH NL và bị đơn là Công ty cổ phần Đầu tư – thương mại – dịch vụ ĐL.
Ngày 14-11-2019, Tòa án Nhân dân Tp. Hà Nội đã hủy phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 24/14 giữa Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH) với nhà thầu Trung Quốc. Mặc dù nguyên đơn đã thắng kiện tại Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam với giá trị khoảng 2.163 tỉ đồng nhưng khi phán quyết trọng tài bị hủy thì vụ tranh chấp phải giải quyết lại từ đầu, vụ tranh chấp đương nhiên sẽ bị kéo dài và chưa có hồi kết. Ngày 13/8/2019 Tòa kinh tế Tòa án Nhân dân Tp.HCM đã hủy phán quyết trọng tài vụ Liên quan đến Phán quyết số 05/2019/PQ-TT ngày 18/5/2019 của Hội đồng Trọng tài được thành lập tại Trung tâm Trọng tài Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết vụ tranh chấp hợp đồng về gói thầu thi công lắp đặt thiết bị cho hệ thống xử lý nước thải và thiết bị cho phòng thí nghiệm giữa Công ty TNHH Xây dựng Tiến Thịnh và Công ty TNHH Công nghệ Môi trường Nông Lâm. Trước đó Công ty TNHH Xây dựng Tiến Thịnh đã khởi kiện tại Tòa án Daklak, Tòa trả đơn do có thỏa thuận trọng tài và chuyển về Trọng tài Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty TNHH Xây dựng Tiến Thịnh đành phải nộp đơn giải quyết tranh chấp tại Tracent. Phán quyết bị hủy, theo hội đồng xét đơn, điều 6 của hợp đồng mà hai công ty đã ký kết có nội dung: “… Việc giải quyết tranh chấp sẽ được giải quyết thông qua Trọng tài kinh tế TP.HCM”. Tuy nhiên, Trọng tài kinh tế TP.HCM là tổ chức trọng tài trực thuộc Trọng tài kinh tế Nhà nước, đã chấm dứt hoạt động từ năm 1994 mà không có tổ chức nào khác kế thừa. Thực ra hợp đồng được ký kết từ tháng 12/2012, có nghĩa là sau khi Luật Trọng tài Thương mại 2010 (Luật TTTM) có hiệu lực, các Trung tâm trọng tài thương mại được điều chỉnh theo luật này. Việc Doanh nghiệp theo thói quen gọi Trọng tài kinh tế là bình thường. Nếu cứ căn cứ vào đó để hủy phán quyết thì thật là đáng tiếc.
Về lệ phí, theo hội đồng xét đơn, căn cứ khoản 3 Điều 39 Nghị quyết 326/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì người nộp đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là Công ty TNHH Công nghệ Môi trường Nông Lâm phải chịu lệ phí tòa án. Tuy nhiên, phần danh mục lệ phí tòa án không quy định rõ đối với việc yêu cầu hủy phán quyết trọng tài thì lệ phí là bao nhiêu nên Công ty L. không phải chịu lệ phí. Thực tế chỉ ra rằng từ khi có tiền lệ này thì Bên bị thi hành nghĩa vụ chỉ nộp đơn xin hủy phán quyết trọng tài lên Tòa án, sau đó lấy biên nhận gửi Cơ quan thi hành án là sẽ tranh thủ tín dụng được một thời gian khá dài. Điều này đặt ra một suy nghĩ về trách nhiệm bồi thường tổn thất cho các Bên liên quan khi phán quyết bị hủy thiếu căn cứ thuyết phục.
Theo các quyết định của tòa án được công bố trên Cổng thông tin của Tòa án Nhân dân tối cao, trong năm 2018-2019, không ít phán quyết trọng tài đã bị hủy. Quy định tại Luật Trọng tài thương mại năm 2010, một phán quyết trọng tài có nguy cơ bị hủy nếu thuộc trường hợp: không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu; thành phần hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thỏa thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật Trọng tài thương mại; vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của hội đồng trọng tài; chứng cứ do các bên cung cấp mà hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài; phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Mặc dù quyết định hủy phán quyết trọng tài của tòa án chưa hẳn đã hợp tình, hợp lý trong mọi trường hợp nhưng đó vẫn là “quyết định cuối cùng” và là nguy cơ không thể tránh khỏi khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Bên cạnh những trường hợp có lý do chính đáng để yêu cầu hủy phán quyết trọng tài thì không ít trường hợp bên thua kiện tại trọng tài vẫn thường viện dẫn các lý do khác nhau để yêu cầu hủy phán quyết trọng tài nhằm trì hoãn việc thi hành phán quyết trọng tài.
Khoản 1 Điều 71 Luật TTTM quy định: “Sau khi thụ lý đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Tòa án có thẩm quyền thông báo ngay cho Trung tâm trọng tài hoặc Trọng tài viên của Hội đồng trọng tài vụ việc, các bên tranh chấp và Viện kiểm sát cùng cấp”.
Tuy nhiên, từ sau khi Bị đơn nộp đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, thường thì các Trung tâm Trọng tài Thương mại không hề nhận được bất kỳ thông báo liên quan nào từ Tòa án.
Khoản 6 Điều 71 Luật TTTM quy định: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, Tòa án gửi quyết định cho các bên, Trung tâm trọng tài hoặc Trọng tài viên Trọng tài vụ việc và Viện kiểm sát cùng cấp”. Tòa án cũng ít khi nào thực hiện việc này, dù Luật đã quy định cụ thể.
Để hạn chế tình trạng phán quyết trọng tài bị hủy, ngay từ thời điểm ký kết hợp đồng hoặc trước khi bắt đầu khởi kiện tại trọng tài, các bên cần xác lập một thỏa thuận trọng tài có hiệu lực. Trong quá trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài, cần lựa chọn trọng tài viên có đủ năng lực để giải quyết tranh chấp, tránh trường hợp do có sai sót từ trọng tài viên mà phán quyết trọng tài bị hủy, cần tìm hiểu quy định của Luật Trọng tài thương mại và Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài giải quyết tranh chấp (trọng tài quy chế).
Trong trường hợp cần thiết, các bên tranh chấp cần tham vấn ý kiến của chuyên gia ngay từ đầu khi lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp này, kể từ khi ký kết hợp đồng cho đến khi chính thức tham gia tố tụng trọng tài.
Cũng như bất kỳ một phương thức giải quyết tranh chấp nào khác, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vẫn có những hạn chế của nó và phán quyết trọng tài vẫn có nguy cơ bị hủy bởi tòa án. Dù vậy, với những ưu điểm mà phương thức giải quyết tranh chấp này mang lại, đây vẫn là một phương thức giải quyết tranh chấp hữu hiệu mà các doanh nghiệp có thể lựa chọn.
Phán quyết trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài. Vấn đề thi hành phán quyết của Trọng tài thương mại (TTTM) được quy định tại Chương X Luật TTTM năm 2010; Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 (Luật THADS) và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Theo quy định tại Điều 1, Điều 2 Luật THADS và Điều 67 Luật TTTM năm 2010 thì phán quyết trọng tài (PQTT) được thi hành theo quy định của pháp luật về THADS và thẩm quyền thi hành phán quyết, quyết định của TTTM thuộc về cơ quan THADS.
Khoản 5 Điều 4 Luật TTTM năm 2010 quy định :“5. Phán quyết trọng tài là chung thẩm.” là một trong những nguyên tắc giải quyết tranh chấp bẳng trọng tài.
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 60 Luật TTTM năm 2010 quy định: “Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành“. Phán quyết của trọng tài là chung thẩm nên tranh chấp đã được giải quyết sẽ không được xem xét lại bởi bất kỳ một cấp hoặc cơ quan xét xử nào khác (trừ trường hợp hủy phán quyết trọng tai theo quy định pháp luật). Phán quyết trọng tài có hiệu lực kể từ ngày ban hành, tuy nhiên do phán quyết trọng tài quy định thời hạn thi hành phán quyết, nên bên được thi hành phán quyết trọng tài chỉ được yêu cầu cưỡng chế thi hành phán quyết đó sau khi thời hạn thi hành phán quyết kết thúc mà bên bị thi hành không thi hành hoặc thi hành không đầy đủ.
Vì vậy, khi Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết trọng tài thì các bên không thể kiện tiếp lên tòa án, trừ trường hợp một bên gửi đơn yêu cầu Tòa án xem xét việc hủy phán quyết trọng tài và Tòa án hủy phán quyết trọng tài theo các căn cứ được quy định tại Điều 68 – LTTTM 2010.
Bên cạnh đó, vấn đề Tố tụng trọng tài giữa cơ quan Tòa án với trung tâm trọng tài, đã có một số thẩm phán không căn cứ vào điều 415 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định : “Thủ tục giải quyết các vụ việc liên quan đến hoạt động của trọng tài thương mại tại Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại Việt Nam” và điều 12 Luật Trọng tài thương mại, mà tư duy theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự dẫn đến huỷ phán quyết trọng tài không đúng.
Hội đồng trọng tài của các vụ việc cụ thể thường gồm các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, nhưng một vài trong số họ có hiểu biết cũng như thực hành tố tụng trọng tài chưa nhiều, ít kinh nghiệm xử lí các tình huống tố tụng nên thường chú trọng nhiều vào phần nội dung tranh chấp mà dẫn đến thiếu sót về tố tụng.
Các thẩm phán giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, trong nhiều trường hợp, không tiếp xúc nhiều với thực tiễn trọng tài và nội dung lĩnh vực tranh chấp nên đã có những quan điểm khác nhau trong đường lối giải quyết vụ việc trọng tài.
Nếu như trong tố tụng tòa án, một tranh chấp có thể được xét xử nhiều lần (theo các thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm thay tái thẩm) thì trong tố tụng trọng tài lại có nguyên tắc đặc trưng là xét xử một lần, tố tụng một cấp tức là phán quyết của trọng tài là chung thẩm các bên phải thi hành trừ trường hợp Tòa án tuyên hủy quyết định trọng tài. Nguyên tắc này bắt nguồn từ bản chất của tố tụng trọng tài là nhân danh ý chí và quyền tự định đoạt của đương sự. Các bên đương sự đã lựa chọn và tín nhiệm người phán xử cho mình thì phải phục tùng quyết định đó.
Với nguyên tắc này, một phán quyết trọng tài sẽ nhanh chóng được thực thi trong thực tiễn, tránh được tình trạng bên phải thực hiện nghĩa vụ cố tình dây dưa kéo dài thời gian thi hành, đồng thời giúp bên kia có thể sớm khắc phục những thiệt hại về tiền, tài sản do bên vi phạm gây ra.
Trong các giao dịch quốc tế, khi các bên đã bỏ công sức và tiền bạc để đưa tranh chấp ra trọng tài quốc tế, ai cũng sẽ mong muốn rằng, quá trình trọng tài sẽ cho kết quả là một phán quyết trọng tài, trừ khi đạt được thỏa thuận trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Các bên cũng mong muốn, tùy thuộc vào quyền kháng cáo, phán quyết là chung thẩm và có tính ràng buộc đối với các bên. Khi đưa tranh chấp ra trọng tài, các bên cam kết thi hành phán quyết không chậm trễ và được xem như đã từ bỏ quyền kháng cáo của mình dưới bất kỳ hình thức nào. Mọi phán quyết là chung thẩm, tức phán quyết đã giải quyết chung cuộc các vấn đề và ràng buộc các bên. Phán quyết chung thẩm thường là kết quả của quá trình tố tụng trọng tài được tiến hành từ đầu đến cuối. Tuy nhiên, phán quyết có thể là thỏa thuận hòa giải giữa các bên. Trong trường hợp này, phán quyết đó thường được biết đến như là một phán quyết đồng thuận hoặc phán quyết dựa trên những điều khoản thỏa thuận.
Một loại phán quyết khác là phán quyết của quá trình tố tụng mà một bên không tham dự hoặc từ chối tham dự. Trường hợp này, phán quyết đó được gọi là phán quyết với một bên vắng mặt. Thời hạn phản đối phán quyết bắt đầu được tính kể từ ngày phán quyết được ban hành. Khi phán quyết chung thẩm đã được lập, không bên nào có thể phản đối bất kỳ nội dung nào trong phán quyết này, nếu nội dung lập được dựa trên một phán quyết từng phần không bị phản đối trước đó. Hơn nữa, chỉ có một phán quyết mới thỏa mãn điều kiện để được công nhận và cho thi hành theo các công ước quốc tế có liên quan, bao gồm công ước New York 1958.
Không hội đồng trọng tài nào được trông đợi là có thể đảm bảo phán quyết của mình sẽ được thi hành tại bất kỳ quốc gia nào mà Bên thắng kiện lựa chọn để thi hành phán quyết. Tuy nhiên, hội đồng trọng tài phải nỗ lực hết sức để phán quyết có thể thi hành được. Để hội đồng trọng tài đạt được tiêu chuẩn thực thi ban hành một phán quyết trọng tài có thể được thi hành trên phạm vi quốc tế, hội đồng trọng tài phải đảm bảo rằng mình có thẩm quyền đối với tất cả các vấn đề, các hồ sơ, chứng cứ được chuyển cho mình.
Hội đồng trọng tài cũng phải tuân thủ mọi quy tắc tố tụng điều chỉnh quá trình tố tụng trọng tài. Những quy tắc này thường bao gồm quy định về phân bổ phí trọng tài, xác định địa điểm trọng tài, địa điểm ban hành phán quyết, thủ tục phê chuẩn chính thức phán quyết của một trung tâm trọng tài… Hội đồng trọng tài cũng phải ký và đề ngày tháng tại phán quyết, sắp xếp gửi phán quyết cho các bên theo quy định pháp luật. Việc công nhận và cho thi hành một phán quyết trọng tài có thể bị từ chối nếu cơ quan có thẩm quyền “tại quốc gia nơi công nhận” cho rằng, việc công nhận và cho thi hành phán quyết có thể vi phạm trật tự công của quốc gia đó.
Tất cả phán quyết đều là chung thẩm và ràng buộc nếu không có yêu cầu hủy phán quyết. Tuy nhiên, thuật ngữ phán quyết chung thẩm thường được sử dụng chỉ những phán quyết mà ở đó, nhiệm vụ của hội đồng trọng tài đã hoàn thành. Tùy thuộc vào một số trường hợp ngoại lệ nhất định, bằng việc ra phán quyết chung thẩm, hội đồng trọng tài đã hết trách nhiệm. Điều này sẽ dẫn đến những hệ quả quan trọng.
Hội đồng trọng tài không nên ban hành phán quyết chung thẩm cho đến khi cảm thấy hài lòng để thực sự hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nếu vẫn còn các vấn đề chưa được giải quyết, thì nên ban hành một phán quyết biểu thị rõ ràng rằng, đây là một phán quyết từng phần. Loại phán quyết này là một cách thức hiệu quả nhằm quyết định các vấn đề có thể giải quyết dễ dàng trong quá trình tố tụng trọng tài, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên. Thẩm quyền ban hành phán quyết từng phần của hội đồng trọng tài có thể xuất phát từ thỏa thuận trọng tài hoặc từ pháp luật áp dụng. Trên thực tế, phán quyết từng phần thường xuyên được lập trong các vụ việc tại ICC (Quy tắc của Phòng Thương mại Quốc tế), đặc biệt trong trường hợp thẩm quyền bị phản đối hoặc hội đồng trọng tài phải xác định pháp luật phù hợp.
Một ví dụ về trường hợp mà phán quyết từng phần có thể hữu ích, chẳng hạn như khi có tranh chấp giữa các bên về luật áp dụng cho nội dung tranh chấp. Nếu tranh chấp này không được giải quyết dứt điểm ở giai đoạn đầu của quá trình tố tụng, các bên có thể tìm căn cứ cho vụ việc của mình bằng cách dẫn chiếu đến các hệ thống pháp luật khác nhau. Thậm chí các bên có thể phải đưa ra chứng cứ là lời giải thích của các luật sư có kinh nghiệm. Trong các trường hợp này, hội đồng trọng tài thường nhận thấy việc đưa ra quyết định sơ bộ về luật áp dụng là cần thiết. Tuy nhiên, sẽ xuất hiện những rủi ro trên thực tế khi cố gắng phân tách các vấn đề cần quyết định vào giai đoạn đầu của quá trình tố tụng trọng tài. Bản chất của vụ tranh chấp và cách thức các bên trình bày vụ việc có thể thay đổi trong quá trình tố tụng trọng tài.
Phán quyết trọng tài vẫn có thể bị hủy theo quy định của pháp luật. Bên có quyền yêu cầu hủy phán quyết trọng tài phải có đơn theo mẫu và được Tòa án có thẩm quyền ra quyết định hủy phán quyết
Bên yêu cầu Tòa án giải quyết các loại việc liên quan đến Trọng tài phải nộp lệ phí Tòa án theo quy định của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án và hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13-6-2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án. Khi có đơn yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ; triệu tập người làm chứng; hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc thì Tòa án không yêu cầu người nộp đơn nộp lệ phí mà tiến hành thụ lý vụ việc theo thủ tục chung (quy định tại Điều 72 luật trọng tài thương mại và điều 16 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP), Theo quy định tại Điều 14 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành Luật Trọng tài thương mại do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành thì các trường hợp hủy phán quyết trọng tài được quy định cụ thể là Phán quyết trọng tài quy định tại khoản 10 Điều 3 và Điều 68 Luật TTTM bao gồm quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên của Hội đồng trọng tài quy định tại Điều 58 Luật TTTM và phán quyết trọng tài của Hội đồng trọng tài quy định tại Điều 61 Luật TTTM. Tòa án hủy phán quyết trọng tài quy định tại Điều 58 và Điều 61 Luật TTTM khi thuộc một trong các trường hợp là “Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu” là thỏa thuận trọng tài thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 6 và Điều 18 Luật TTTM và hướng dẫn tại các điều 2, 3 và 4 Nghị quyết này. “Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thỏa thuận của các bên hoặc trái với các quy định Luật TTTM” là trường hợp các bên có thỏa thuận về thành phần Hội đồng trọng tài, quy tắc tố tụng trọng tài nhưng Hội đồng trọng tài thực hiện không đúng thỏa thuận của các bên hoặc Hội đồng trọng tài thực hiện không đúng quy định Luật TTTM về nội dung này mà Tòa án xét thấy đó là những vi phạm nghiêm trọng và cần phải hủy nếu Hội đồng trọng tài không thể khắc phục được hoặc không khắc phục theo yêu cầu của Tòa án quy định tại khoản 7 Điều 71 Luật TTTM. “Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài” là trường hợp Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài quy định tại Điều 2 Luật TTTM; hoặc Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp mà không được các bên thỏa thuận yêu cầu Trọng tài giải quyết hoặc giải quyết vượt quá phạm vi của thỏa thuận đưa ra Trọng tài giải quyết.
Về nguyên tắc, Tòa án chỉ hủy phần quyết định có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài mà không hủy phán quyết trọng tài. Trường hợp có thể tách được phần quyết định của Hội đồng trọng tài về vấn đề đã được yêu cầu và phần quyết định về vấn đề không được yêu cầu giải quyết tại Trọng tài, thì phần quyết định về vấn đề được yêu cầu giải quyết không bị huỷ. Trường hợp không thể tách được phần quyết định của Hội đồng trọng tài về vấn đề đã được yêu cầu và phần quyết định về vấn đề không được yêu cầu giải quyết tại Trọng tài, thì Tòa án hủy phán quyết trọng tài đó.
Tòa án hủy phán quyết trọng tài nếu “Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài”. Tòa án chỉ xem xét việc xác định chứng cứ giả mạo nếu có chứng cứ chứng minh cho yêu cầu đó và chứng cứ đó phải có liên quan đến việc ra phán quyết, có ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết. Tòa án phải căn cứ vào quy định Luật TTTM, quy tắc tố tụng trọng tài, thỏa thuận của các bên và quy tắc xem xét, đánh giá chứng cứ mà Hội đồng trọng tài áp dụng khi giải quyết vụ việc để xác định chứng cứ giả mạo. Hoặc “Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” là phán quyết vi phạm các nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam. Khi xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Tòa án phải xác định được phán quyết trọng tài có vi phạm một hoặc nhiều nguyên tắc cơ bản của pháp luật và nguyên tắc đó có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp của Trọng tài. Tòa án chỉ hủy phán quyết trọng tài sau khi đã chỉ ra được rằng phán quyết trọng tài có nội dung trái với một hoặc nhiều nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam mà Hội đồng trọng tài đã không thực hiện nguyên tắc này khi ban hành phán quyết trọng tài và phán quyết trọng tài xâm phạm nghiêm trọng lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của một hoặc các bên, người thứ ba.
Pháp luật hiện hành quy định phán quyết trọng tài là chung thẩm, các bên có nghĩa vụ phải thi hành. Tuy nhiên, Tòa án có thể tuyên hủy phán quyết trọng tài trong một số trường hợp nhất định: Tòa án xem xét việc hủy phán quyết trọng tài khi có đơn yêu cầu của một bên. Theo quy định tại Điều 69, Luật TTTM năm 2010, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhân được phán quyết trọng tài, nếu một bên có đủ căn cứ để chứng minh được Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong những trường hợp có thể hủy phán quyết trọng tài thì có thể làm đơn gửi tòa án có thẩm quyền yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài phải kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là có căn cứ vào hợp pháp.
Việc phán quyết trọng tài bị hủy nhiều, một phần do các Bên liên quan trong tranh chấp một phần do chính một số thẩm phán đã hiểu không đúng về phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án này. Nhiều phán quyết trọng tài bị hủy với những lý do không thuyết phục như phán quyết “trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật” (nhưng nội hàm của nguyên tắc cơ bản của pháp luật lại chưa được xác định rõ ràng nên các thẩm phán muốn vận dụng thế nào cũng được). Có không ít trường hợp phán quyết của trọng tài có sai sót nhỏ cũng bị tòa án căn cứ vào đó mà hủy cả phán quyết. Như thế là không công bằng, tòa án nên tạo điều kiện cho trọng tài sửa chữa những sai sót nhỏ không ảnh hưởng đến bản chất của phán quyết.
Vì vậy, để các phán quyết của trọng tài không bị hủy, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, các cơ quan chức năng phải giải thích, hướng dẫn việc áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam; tạo cơ hội cho Hội đồng trọng tài khắc phục sai sót, Tòa án tối cao phải có bộ phận giám sát, theo dõi việc hủy phán quyết trọng tài, sửa đổi Luật Trọng tài thương mại cho hợp lý hơn.
Thời gian qua Viện Khoa Học Pháp Lý và Kinh Doanh Quốc Tế (IBLA) hợp tác với Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Thành Phố Hồ Chí Minh (TRACENT) đã mở nhiều lớp tập huấn cho các Trọng Tài Viên về các án lệ kinh doanh quốc tế, các buổi tọa đàm về tập quán kinh doanh thương mại quốc tế nhằm nâng cao kỹ năng cho các Trọng Tài Viên và quảng bá cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại. Tổ chức các cuộc hội thảo phổ biến chủ trương chính sách của Nhà nước tới các Trọng Tài Viên, luật sư, luật gia, doanh nghiệp nhằm góp phần đẩy mạnh hoạt động kinh doanh thương mại trong và ngoài nước phù hợp với chủ trương của Đảng và nhà nước Việt Nam là hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng rộng, sâu và bền vững./.
Ths. Vũ Trọng Khang, Trọng Tài Viên Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Thành Phố Hồ Chí Minh (TRACENT)