Giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài Thương mại – Trọng tài viên trong giải quyết tranh chấp thương mại (Kỳ 3)
Giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại bằng trọng tài thương mại ngày càng được các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ lựa chọn, kể cả doanh nghiệp nước ngoài. Vì những ưu điểm của phương thức giải quyết tranh chấp này, như tính bảo mật trong giải quyết tranh chấp, thủ tục nhanh gọn, phương thức giải quyết tranh chấp thân thiện, các bên được chọn trọng tài viên để giải quyết tranh chấp, địa điểm phân xử, phán quyết trọng tài là chung thẩm. Với tố tụng tòa án, tố tụng hai cấp, một tranh chấp có thể được xét xử nhiều lần (theo các thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hay tái thẩm) thì trong tố tụng trọng tài lại có nguyên tắc là xét xử một lần, tố tụng một cấp tức là phán quyết của trọng tài là chung thẩm các bên phải thi hành trừ trường hợp Tòa án tuyên hủy quyết định trọng tài. Nguyên tắc này bắt nguồn từ bản chất của tố tụng trọng tài là nhân danh ý chí và quyền tự định đoạt của các bên tranh chấp. Các bên tranh chấp đã lựa chọn và tín nhiệm người phán xử cho mình thì phải phục tùng quyết định đó. Các bên tranh chấp được chọn trọng tài viên phù hợp với tính chất của vụ tranh chấp nên Trọng tài viên thường là người có kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp. Đối với vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài và vụ tranh chấp có một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài các bên tranh chấp được lựa chọn ngôn ngữ trọng tài, Trọng tài viên được chọn phải thông thạo ngoại ngữ được chọn để giải quyết tranh chấp, ngoài ra còn phải hiểu Luật áp dụng giải quyết tranh chấp và Luật địa phương nơi giải quyết tranh chấp vì phán quyết của trọng tài là chung thẩm, có hiệu lực pháp luật ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị, được cơ quan thi hành án trong nước thi hành như một bản án dân sự, phán quyết của trọng tài còn được công nhận và cho thi hành tại trên 150 quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài.
Vì tính chất và vai trò quan trọng của Trọng tài viên trong giải quyết tranh chấp nên tiêu chuẩn để trở thành Trọng tài viên được quy định tại Điều 20 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định cụ thể là những người có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể làm Trọng tài viên như là : Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật dân sự, Có trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên, trong trường hợp đặc biệt, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tuy không đáp ứng được yêu cầu nêu trên, cũng có thể được chọn làm Trọng tài viên. Nhưng nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây không được làm Trọng tài viên: Người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên, công chức thuộc Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án, người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.
Trung tâm trọng tài có thể quy định thêm các tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Trọng tài thương mại 2010 đối với Trọng tài viên của tổ chức mình như sau : Tiêu chuẩn cơ bản là Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ Luật Dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Có trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ năm (05) năm trở lên, trong trường hợp đặc biệt, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tuy không đáp ứng được yêu cầu cũng có thể được chọn làm trọng tài viên, sẵn sàng tham gia vào các hoạt động của Trung tâm trọng tài và nỗ lực cống hiến vì sự phát triển của Trung tâm trọng tài, Có sức khỏe tốt, nghiêm chỉnh chấp hành tốt Điều lệ và nội quy của Trung tâm trọng tài. Ngoài những tiêu chuẩn cơ bản còn có các Tiêu chuẩn bổ sung như là : Người có nguyện vọng làm trọng tài viên của Trung tâm trọng tài phải có thêm một trong những tiêu chuẩn bổ sung là có tên trong danh sách trọng tài viên của một tổ chức trọng tài được công nhận trên thế giới và đã tham gia giải quyết ít nhất là một vụ tranh chấp tại tổ chức này, Có giới thiệu của Hiệp hội nghề nghiệp trong phạm vi toàn quốc, hoặc Trường Đại học, Học viện nghiên cứu, Có thời gian sáu (06) tháng là cộng tác viên của Trung tâm trọng tài và được ít nhất một (01) thành viên trong Ban điều hành giới thiệu. Việc xem xét kết nạp một cá nhân làm trọng tài viên thuộc thẩm quyền của toàn thể trọng tài viên sau khi được Ban điều hành thống nhất đề nghị. Mỗi Trung tâm Trọng tài có quy chế riêng để kết nạp Trọng tài viên riêng cho Trung tâm của mình.
Ngoài các tiêu chuẩn để kết nạp làm Trọng tài viên các Trung tâm Trọng tài còn có các quy định buộc các Trọng tài viên tuân thủ như là một quy tắc đạo đức nghề nghiệp là Trọng tài viên có nghĩa vụ hành động một cách vô tư trong suốt quá trình tố tụng trọng tài, Trọng tài viên phải từ chối giải quyết vụ tranh chấp nếu Trọng tài viên có định kiến đối với một hoặc các bên hoặc với nhân chứng quan trọng hoặc có định kiến về vụ tranh chấp, làm ảnh hưởng đến quyết định về vụ tranh chấp đó, Trọng tài viên đã nêu quan điểm pháp lý về bản chất của vụ tranh chấp trước khi được chọn hoăc chỉ định làm Trọng tài viên, Trọng tài viên có các mối quan hệ tài chính, kinh doanh, nghề nghiệp, gia đình và xã hội với ít nhất một trong các bên mà các mối quan hệ này đem lại lợi ích cho Trọng tài viên dưới các dạng khác nhau, Trọng tài viên có thể giới thiệu về chuyên môn và kinh nghiệm của mình nhưng không được chủ động lôi kéo các bên chọn mình làm Trọng tài viên, Trọng tài viên không được nhận bất kỳ quà tặng hay ưu đãi nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, từ bất kỳ bên nào trong vụ tranh chấp, Trọng tài viên phải tạo cơ hội công bằng cho tất cả các bên trình bày chứng cứ và lập luận về các vấn đề có liên quan đến vụ tranh chấp.
Trọng tài viên phải giải quyết vụ tranh chấp một cách độc lập, căn cứ vào pháp luật và các tình tiết trong vụ tranh chấp mà không chịu tác động của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào. Trong suốt quá trình tố tụng trọng tài, Trọng tài viên có nghĩa vụ phải thông báo kịp thời về bất kỳ sự việc nào có thể gây nghi ngờ về sự vô tư và độc lập của mình. Trọng tài viên phải công khai với Trung tâm Trọng tài và các bên về mọi mối quan hệ cá nhân thân thiết hoặc quan hệ kinh doanh trong quá khứ hoặc hiện tại, dù trực tiếp hay gián tiếp, với bất kỳ bên nào trong vụ tranh chấp hoặc với bất kỳ đại diện nào của một bên hoặc với bất kỳ người nào có khả năng trở thành nhân chứng quan trọng trong vụ tranh chấp, mọi thông tin về vụ tranh chấp mà Trọng tài viên có từ trước khi được chọn hoặc được chỉ định làm Trọng tài viên. Trọng tài viên có nghĩa vụ giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp và không được sử dụng các thông tin liên quan đến vụ tranh chấp để giành các lợi thế cho bản thân hoặc lợi thế cho những người khác, hoặc gây bất lợi đến lợi ích của người khác.
Trọng tài viên có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc, bằng hoạt động nghề nghiệp, trọng tài viên góp phần bảo vệ pháp luật và nhà nước pháp quyền theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Trọng tài viên phải tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên tranh chấp; đảm bảo tối đa ý chí tự do thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm pháp luật và trái đạo đức xã hội. Trọng tài viên phải giải quyết vụ tranh chấp một cách độc lập, căn cứ vào pháp luật và các chứng cứ tình tiết trong vụ tranh chấp mà không chịu tác động của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào. Trọng tài viên phải công bằng khách quan không ưu ái hay thành kiến trong hành xử; hoặc tỏ ra thiên vị đối với bên nào. Trọng tài viên có nghĩa vụ hành động vô tư trong suốt quá trình tố tụng trọng tài; không được chủ động lôi kéo các bên chọn mình làm trọng tài viên; không được nhận bất kỳ quà tặng hay ưu đãi nào dù là trực tiếp hoặc gián tiếp từ bên nào trong vụ tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp dựa trên cơ sở chứng cứ và tuân thủ các quy định pháp luật. Trọng tài viên có trách nhiệm coi trọng, giữ gìn uy tín nghề nghiệp, không được có hành vi làm tổn hại đến danh dự, uy tín cá nhân, thanh danh nghề nghiệp. Tuân thủ các quy định của Quy tắc đạo đức hành nghề trọng tài này và các quy định của Trung Tâm Trọng Tài Thương mại. Ứng xử văn minh, lịch sự trong hành nghề; lành mạnh trong lối sống để nhận được sự yêu quý, tôn trọng, tin cậy và vinh danh của đồng nghiệp, khách hàng.
Tích cực tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nhằm không ngừng nâng cao kỹ năng chuyên môn, kiến thức và chất lượng công việc. Trọng tài viên chỉ chấp nhận giải quyết vụ tranh chấp nếu có đủ năng lực, thời gian. Khi chấp nhận làm Trọng tài viên theo lựa chọn của khách hàng hoặc chỉ định của Trung tâm Trọng tài, Trọng tài viên phải tận tâm, nỗ lực giải quyết nhanh chóng theo quy định tố tụng trọng tài của Trung tâm Trọng tài. Trọng tài viên phải tự mình nắm vững các tình tiết và các lập luận trong vụ tranh chấp để hiểu biết đầy đủ và có quyết định đúng pháp luật. Trọng tài viên phải từ chối giải quyết tranh chấp trong trường hợp có các mối quan hệ về tài chính, kinh doanh, nghề nghiệp, gia đình và xã hội với ít nhất một trong các bên mà các mối quan hệ này đem lại lợi ích cho Trọng tài viên dưới các dạng khác nhau. Trọng tài viên phải cam kết sắp xếp thời gian có mặt theo quá trình tố tụng để tiến hành hoạt động trọng tài công bằng và hiệu quả, có trách nhiệm giải thích, tạo điều kiện cho các bên thực hiện bình đẳng các quyền và nghĩa vụ của mình. Trong quá trình tố tụng, trọng tài viên không được gặp hoặc liên lạc riêng với luật sư hoặc người đại diện của bất kỳ bên nào để trao đổi các vấn đề liên quan đến vụ tranh chấp, khi cần thông báo phải công khai thực hiện đầy đủ cho tất cả các bên. Trọng tài viên phải thông báo cho các bên về các quy tắc bảo mật, không được tiết lộ thông tin liên quan đến vụ tranh chấp nếu không được bên đó đồng ý. Trọng tài viên có nghĩa vụ giữ bí mật nội dung tranh chấp và không được sử dụng các thông tin liên quan để gây lợi thế cho bản thân hoặc lợi thế cho những người khác, hoặc gây bất lợi đến lợi ích người khác. Trọng tài viên phải tổ chức các phiên họp và phiên giải quyết vụ tranh chấp không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Trọng tài viên chấp nhận giải quyết vụ tranh chấp chỉ nhận thù lao phí trọng tài theo quy định của Trung tâm Trọng tài, không được phép thỏa thuận với bất kỳ bên nào hoặc Luật sư của bất kỳ bên nào về thù lao hoặc phí bổ sung. Trọng tài viên có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ danh dự và uy tín của giới trọng tài viên cũng như bảo vệ danh dự và uy tín của cá nhân mình; giữ gìn sự đoàn kết nội bộ, góp phần xây dựng đội ngũ trọng tài viên trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tôn trọng và tin cậy của xã hội. Trọng tài viên phải có thái độ tôn trọng, hỗ trợ đồng nghiệp. Việc phê bình xây dựng đồng nghiệp được thực hiện đúng nơi, đúng lúc và thẳng thắn trên tinh thần xây dựng. Có ý thức hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp trong hành nghề cũng như trong cuộc sống; góp ý kịp thời khi thấy đồng nghiệp có biểu hiện, hành vi sai trái, ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp. Trọng tài viên có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của Trung tâm Trọng tài; chấp hành nghiêm chỉnh điều lệ, nghị quyết, quyết định, quy chế, nội quy của Trung tâm Trọng tài. Thực hiện đầy đủ và đúng hạn các nghĩa vụ tài chính (góp vốn, góp cổ phần, phí sinh hoạt hằng năm…) của Trung tâm Trọng tài. Tham gia các hoạt động và nhiệm vụ khác khi được Trung tâm Trọng tài phát động và phân công. Có tinh thần học hỏi, ứng xử văn minh, lịch sự khiêm tốn đối với các đồng nghiệp hoặc các tổ chức nghề nghiệp khác. Không được xúc phạm hoặc có hành vi làm tổn hại uy tín của đồng nghiệp và Trung tâm Trọng tài, không được gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội với đồng nghiệp để giành lợi thế cho mình trong hành nghề hoặc hợp tác với cá nhân, tổ chức có khả năng gây áp lực hoặc cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải quyết tranh chấp (khách hàng) phải lựa chọn mình vì mục đích lợi nhuận. Trọng tài viên tuân thủ quy định của pháp luật trong khi làm việc với các cơ quan nhà nước, cá nhân, tổ chức khác với thái độ lịch sự, tôn trọng. Ban điều hành, Ban thi đua khen thưởng và Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Quy tắc đạo đức hành nghề trọng tài đối với Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài. Trọng tài viên gương mẫu thực hiện Quy tắc đạo đức hành nghề trọng tài thì được khen thưởng theo quy chế thi đua khen thưởng và kỷ luật của Trung tâm Trọng tài. Trọng tài viên thực hiện không đúng Quy tắc đạo đức hành nghề trọng tài thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị nhắc nhở phê bình, khiển trách, xử lý kỹ thuật theo Điều lệ của Trung tâm Trọng tài.
Mặc dù có nhiều quy định đã ban hành, nhưng việc tuân thủ cũng tùy vào từng cá nhân Trọng tài viên, hiện nay cũng chưa có báo cáo cụ thể nào của các Trung tâm Trọng tài về các vấn đề trên. Vì chỉ cần sơ xuất của Trọng tài viên về kỹ năng, về kinh nghiệm hoặc không tuân thủ quy tắc tố tụng, quy tắc đạo đức nghề nghiệp thì Phán quyết có thể bị hủy. Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có trên 15 Trung tâm Trọng tài và Chi nhánh Trung tâm Trọng tài đang hoạt động với trên 500 Trọng tài viên đang tham gia giải quyết tranh chấp tại các Trung tâm Trọng tài, Cần có một cơ chế giám sát và tuân thủ để hoạt động trọng tài ngày càng hiệu quả. Việc giải quyết tranh chấp đạt hiệu quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố Trọng tài viên không kém phần quan trọng, có ảnh hưởng tương hỗ với nhau. Sau đây chúng ta xem xét từng yếu tố.
Về nơi giải quyết tranh chấp, là không gian tổ chức giải quyết tranh chấp, quyết định các biện pháp áp dụng trong tố tụng trọng tài, cần được bố trí thân thiện, bảo đảm an toàn, trật tự phiên họp giải quyết tranh chấp, thể hiện vị trí, vai trò trung tâm của Hội đồng trọng tài, bảo đảm quyền bình đẳng , bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong giải quyết tranh chấp, bảo đảm quyền tự bảo vệ của bị đơn, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên . Nơi giải quyết tranh chấp phải có bảng nội quy, biển ghi chức danh của những người tiến hành tố tụng, biển ghi tư cách của người tham gia tố tụng, căn cứ vào điều kiện cụ thể của mỗi Trung tâm có thể được trang bị thêm thiết bị ghi âm ghi hình (nội bộ nhằm trích xuất lại khi có khiếu nại), máy tính, mạng internet, các trang thiết bị khác phục vụ cho công tác giải quyết tranh chấp.
Về trang phục của Trọng tài viên phải theo cách chuyên nghiệp phù hợp với vị trí đang thực hiện nhiệm vụ, chỉn chu nhưng vẫn thoải mái tự tin trong giải quyết các bất đồng giữa hai bên. Tránh đi dép lê, dép tông, nước hoa nặng mùi, trang điểm lòe loẹt, khiến hình ảnh Trọng tài viên trở nên xộc xệch, bất lịch sự. Các bên tranh chấp sẽ không thể chấp nhận Trọng tài viên ăn mặc lôi thôi tham gia giải quyết tranh chấp. Ngoài trang phục, Trọng tài viên còn nên chú ý tới cử chỉ, biểu cảm khuôn mặt của mình trong khi giải quyết tranh chấp. Để có thể làm chủ việc trao đổi với các bên tranh chấp trong phiên họp, Trọng tài viên nên chuẩn bị trước các vấn đề cần nói như những câu hỏi Trọng tài viên muốn hỏi các bên tranh chấp, bên cạnh đó Trọng tài viên còn nên chuẩn bị trước các câu trả lời các bên tranh chấp sẽ đối đáp với nhau. Điều đó sẽ giúp Trọng tài viên tự tin hơn rất nhiều trong khi trao đổi với các bên tranh chấp. Như vậy, Trọng tài viên sẽ được khách hàng đánh giá cao về trình độ chuyên môn, những hiểu biết của bạn. Khi nhìn thấy các bên tranh chấp đang nhìn mình Trọng tài viên nên nở nụ cười và chào hỏi một cách thân thiện nhất có thể. Điều đó sẽ làm tan đi những căng thẳng trong giải quyết tranh chấp, Trọng tài viên sẽ dễ dàng lấy được thiện cảm hơn để mở đầu cho các cuộc trao đổi được suôn sẻ.
Dù Trọng tài viên có đang làm chủ cuộc trao đổi với các bên tranh chấp thì Trọng tài viên vẫn cần phải lắng nghe các bên tranh chấp mong muốn điều gì. Trọng tài viên không nói quá nhiều, điều đó sẽ khiến các bên tranh chấp không trình bày hết ý kiến của mình.
Trọng tài viên cần luôn nhắc nhở mình rằng không nên để cảm xúc riêng lấn át, chi phối cuộc trao đổi của Trọng tài viên với các bên tranh chấp. Nếu không làm được điều đó các bên tranh chấp sẽ nghĩ Trọng tài viên thiên vị một bên, không chuyên nghiệp, không đủ khả năng để các bên tranh chấp tin tưởng từ đó ảnh hưởng rất lớn tới hình ảnh của Trung tâm Trọng tài.
Để hiểu được các bên tranh chấp, Trọng tài viên cũng cần nhiều kỹ năng mềm. Đối với từng mẫu người khác nhau sẽ có cách nói chuyện khác nhau để thuyết phục họ, Bởi vì các bên tranh chấp cũng có quan điểm của riêng mình, và hầu hết đều ra sức bảo vệ những quan điểm đó. Do vậy không dễ để giải quyết bất đồng mà cần nắm bắt được các điểm tương đồng trong quan điểm của mỗi bên và dựa vào đó để thuyết phục các bên tranh chấp về những điểm chung. Giải pháp của Trọng tài viên sẽ trở nên có trọng lượng hơn khi có những dẫn chứng và lập luận đi kèm. Những dẫn chứng và lập luận này không nên quá cao siêu, đòi hỏi dẫn chứng phải cụ thể, lý luận phải chặt chẽ và rõ ràng theo lối “nói trước chặn sau”, làm giảm ý kiến chủ quan của các bên, đưa về mức cân bằng và chấp nhận được của cả 2 bên. Mục tiên của giải quyết bất đồng dẫn đến tranh chấp là phân tích đúng, sai, lợi, hại, của vấn đề mà cả 2 cùng quan tâm từ đó dẫn dắt các bên đi đến 1 quyết định mới khác với dự định hoặc ý kiến ban đầu của họ. Việc nắm bắt tâm lý các bên giúp Trọng tài viên dễ dàng thấu hiểu suy nghĩ, mong muốn hay mối quan tâm của các bên tranh chấp ở một thời điểm.
Kỹ năng trọng tài là một trong nhiều yếu tố không thể thiếu trong giải quyết tranh chấp, kỹ năng Trọng tài thể hiện ở việc Trọng tài viên có tạo nên một sự khởi đầu suôn sẻ hay không, từ ánh mắt, cách chào hỏi, cách mỉm cười, cách nói chuyện…tất cả sẽ đều để lại ấn tượng tốt hoặc xấu trong các bên tranh chấp. Kỹ năng Trọng tài còn thể hiện ở việc Trọng tài viên trình bày vấn đề có rõ ràng không, giọng nói và ngữ điệu có hợp lí không, câu cú có gãy gọn và dễ hiểu không. Một Trọng tài viên giỏi luôn biết lắng nghe các bên tranh chấp nói, đặt câu hỏi và giữ im lặng khi cần thiết. Trong quá trình lắng nghe, hãy chủ động gật nhẹ đầu để khuyến khích các bên tranh chấp nói lâu hơn. Các bên tranh chấp sẽ cung cấp nhiều thông tin sẽ giúp Trọng tài viên dễ dàng phán đoán nhu cầu, ý chí của họ hơn. Tuy nhiên Trọng tài viên tránh thể hiện sự thân mật quá đà với các bên tranh chấp khi đào sâu chuyện riêng của họ. Hãy cân bằng giữa những câu chuyện mang tính mở đầu hay duy trì cuộc trao đổi và những thông tin về tranh chấp mà các bên tranh chấp đang quan tâm. Trong lúc giải quyết tranh chấp cho các bên tranh chấp, Trọng tài viên sẽ gặp một số tình huống như các bên tranh chấp đã nghe bên kia trình bày đầy đủ lý lẽ nhưng vẫn nói theo quan điểm của mình, nghi ngờ việc trình bày cùa bên kia…Những biểu hiện này Trọng tài viên có thể nhận biết qua thái độ hay lời nói của bên tranh chấp. Lúc này, Trọng tài viên cần bình tĩnh phân tích vấn đề, xem xét động cơ nào khiến các bên tranh chấp có những suy nghĩ như vậy. Sau đó hãy tìm hướng giải quyết và thuyết phục các bên tranh chấp hướng tới một điểm chung. Thuyết phục các bên tranh chấp chỉ được phát huy tốt nhất khi Trọng tài viên tạo được niềm tin với họ, Các bên tranh chấp sẽ đánh giá cao sự trung thực khi làm việc với Hội đồng trọng tài, các bên tranh chấp muốn Trọng tài viên thẳng thắn về mọi vấn đề, xác định rõ điều gì là có thể và không thể. Các bên tranh chấp luôn muốn được giải quyết tranh chấp bởi các Trọng tài viên có năng lực và có chuyên môn sâu về các bất đồng giữa các bên tranh chấp. Họ cần cảm thấy an toàn và tin tưởng nhất khi làm việc với các Trọng tài viên. Do đó, Trọng tài viên cần chứng tỏ khả năng giải quyết tranh chấp của mình bằng kĩ năng giao tiếp, sự hiểu biết sâu về lĩnh vực đang tranh chấp của các bên. Các bên tranh chấp muốn Trọng tài viên nắm được suy nghĩ, cảm nhận của họ. Trọng tài viên cần quan tâm và lắng nghe những gì các bên tranh chấp nói để hiểu được mối quan tâm của họ, lắng nghe kể cả những chuyện không liên quan đến bất đồng trong tranh chấp để hiểu họ hơn.
Khi Trọng tài viên có thêm kỹ năng quan sát để xác định tính cách của người đối diện tại một thời điểm nhất định thông qua quan sát hành vi của họ, sẽ giúp việc giải quyết tranh chấp càng hiệu quả thông qua công cụ DISC (Tính cách của mỗi người đều nằm trong 4 khuôn mẫu hành vi của 4 nhóm: D (Dominance – Sự thống trị), I (Influence – Sự ảnh hưởng), S (Steadiness – Sự kiên định), C – (Compliance – Sự tuân thủ).
DISC có thể giúp Trọng tài viên nắm được điểm mạnh, điểm yếu của từng người để có cách khai thác, sử dụng và điều chỉnh hợp lý trong giải quyết bất đồng giữa các bên.
Trước khi Trọng tài viên tham dự cuộc họp giải quyết tranh chấp, cần chuẩn bị sẵn các câu hỏi để thu thập dữ liệu bổ sung hồ sơ do các bên tranh chấp đã gửi, thu thập thông tin đối chiếu với hồ sơ để có thể phác thảo giải pháp cho bất đồng ý kiến giữa các bên tranh chấp hoặc quyết định trong phán quyết sau đó.
Kỹ thuật đặt câu hỏi là một trong nhiều kỹ năng mà Trọng tài viên cần được trang bị.
Trọng tài viên cần phải có câu hỏi đúng cho từng tình huống cụ thể thì mới có câu trả lời đúng của các bên tranh chấp: Câu hỏi “Mở-Đóng” để có câu trả lời một từ hoặc rất ngắn, các câu hỏi “Hình nón”, bắt đầu từ những câu hỏi chung bao quát vấn đề, sau đó căn cứ vào trả lời của các bên tranh chấp sẽ đặt câu hỏi đi vào trọng tâm của từng câu trả lời của các bên tranh chấp để hỏi sâu thêm làm rõ các vấn đề tranh chấp của hai bên, câu hỏi “Hình nón” kết hợp với câu hỏi “Mở-Đóng” sẽ giúp các bên tranh chấp thấy rõ vấn đề tranh chấp, giúp Trọng tài viên có thêm nhiều thông tin chi tiết để có giải pháp hiệu quả giải quyết tranh chấp, Câu hỏi “Thăm dò” để các bên tranh chấp xác nhận lại các vấn đề còn chưa rõ giữa các bên tranh chấp. Căn cứ vào hồ sơ đã nghiên cứu trước, Trọng tài viên đặt ra câu hỏi “Dẫn- dắt” để hướng hai bên tranh chấp về một mục tiêu có thể được chấp nhận, Câu hỏi “Tu- từ” là những câu khẳng định dưới dạng câu hỏi, giúp các bên tranh chấp thoải mái tham gia tranh luận và đồng thuận, khi cuộc tranh luận trở nên gay gắt, Trọng tài viên cần sử dụng câu hỏi “Hình- nón” kết hợp với câu hỏi “Khám-phá”, câu hỏi “Mở” để các bên tranh chấp đi vào chi tiết vấn đề bất đồng, tách cảm xúc và lập luận của các bên, giúp các bên tranh chấp không còn căng thẳng, cần bố trí thời gian cho các bên đủ thời gian để trả lời bao gồm cả thời gian suy nghĩ trước khi đưa ra câu trả lời, lưu ý là im lặng không có nghĩa là đồng ý hoặc không có ý kiến, Trọng tài viên cần hỏi xác định lại như đã nêu trên, kỹ năng đặt câu hỏi luôn đi với kỹ năng lắng nghe, kết hợp với ngôn ngữ cơ thể, âm điệu trong giọng nói giúp có được nhận định chính xác về vấn đề tranh chấp cần giải quyết.
Các kỹ năng đánh giá các câu trả lời của các bên cũng cần thiết như kỹ năng hỏi, có thể dùng ngôn ngữ cơ thể để thẩm định câu trả lời như nếu không trung thực thì người trả lời sẽ nhún vai, nhấp nháy mí mắt, nhấp nháy cơ miệng, hoặc lắc nhẹ đầu, cơ thể cử động cứng nhắc, tránh chạm vào ngực, hay sờ tai, tránh nhìn vào mắt Trọng tài viên, không thoải mái khi nhìn người hỏi hay quay đầu về một bên khi bị hỏi, thường đặt một vật chắn ngang không gian với Trọng tài viên, nhắc lại từ trong câu hỏi, trả lời đầy đủ như câu hỏi đã hỏi, trả lời vòng vo có ẩn ý, nói nhiều hơn bình thường, thường quên đại từ và nhấn âm khi trả lời, ậm ừ trả lời nhát gừng câu cú lộn xộn, ….còn nhiều kỹ năng bổ sung cho Trọng tài viên để hỗ trợ việc giải quyết tranh chấp đạt hiệu quả cao nhất.
Viện Khoa Học Pháp Lý và Kinh Doanh Quốc Tế (IBLA) phối hợp với TRACENT sẽ mở các lớp tập huấn về các án lệ trong kinh doanh quốc tế, tập quán thương mại quốc tế cũng như phổ biến tuyên truyền về các định chế mới trong các Hiệp định FTA cho các Trọng Tài Viên cũng như cho các Doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm phát triển nền kinh doanh thương mại dịch vụ phát triển bền vững./.
Ths Vũ Trọng Khang, Trọng Tài Viên Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Thành Phố Hồ Chí Minh (TRACENT)