Quy tắc đạo đức trọng tài viên

QUY TẮC ĐẠO ĐỨC HÀNH NGHỀ TRỌNG TÀI VIÊN

(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2018/QĐ-TT ngày 27 tháng 01 năm 2018 của Trung tâm Trọng tài Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh TRACENT)

LỜI NÓI ĐẦU

Trọng tài viên là một nghề cao quý, bởi hoạt động trọng tài là một trong những phương thức xã hội hóa giải quyết tranh chấp thương mại góp phần khuyến khích quyền tự định đoạt của cá nhân, doanh nghiệp có tranh chấp; góp phần xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, xây dựng nhà nước pháp quyền.

Quy tắc đạo đức hành nghề trọng tài quy định các chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử của Trọng tài viên, là cơ sở để trọng tài viên tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong hành nghề và trong xã hội, nhằm giữ gìn và nâng cao uy tín nghề nghiệp, nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp của Trọng tài viên, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội.

CHƯƠNG I: QUY TẮC CHUNG

Điều 1. Bảo vệ pháp luật và Nhà nước pháp quyền.

Trọng tài viên có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc, bằng hoạt động nghề nghiệp, trọng tài viên góp phần bảo vệ pháp luật và nhà nước pháp quyền theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.

Điều 2. Tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội.

Trọng tài viên phải tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên tranh chấp; đảm bảo tối đa ý chí tự do thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm pháp luật và trái đạo đức xã hội.

Điều 3. Độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật

  1. Trọng tài viên phải giải quyết vụ tranh chấp một cách độc lập, căn cứ vào pháp luật và các chứng cứ tình tiết trong vụ tranh chấp mà không chịu tác động của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào.
  2. Trọng tài viên phải công bằng khách quan, không ưu ái hay thành kiến trong giải quyết tranh chấp; hoặc tỏ ra thiên vị đối với bên nào.
  3. Trọng tài viên có nghĩa vụ hành động vô tư trong suốt quá trình tố tụng trọng tài; không được chủ động lôi kéo các bên chọn mình làm trọng tài viên; không được nhận bất kỳ quà tặng hay ưu đãi nào dù là trực tiếp hoặc gián tiếp từ bên nào trong vụ tranh chấp.
  4. Quyết định giải quyết tranh chấp dựa trên cơ sở chứng cứ và tuân thủ các quy định pháp luật.

Điều 4. Tôn trọng, bảo vệ uy tín, thanh danh nghề nghiệp.

  1. Trọng tài viên có trách nhiệm coi trọng, giữ gìn uy tín nghề nghiệp, không được có hành vi làm tổn hại đến danh dự, uy tín cá nhân, thanh danh nghề nghiệp.
  2. Tuân thủ các quy định của Quy tắc đạo đức hành nghề trọng tài này và các quy định của Trung Tâm Trọng Tài Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (TRACENT).
  3. Ứng xử văn minh, lịch sự trong hành nghề; lành mạnh trong lối sống để nhận được sự yêu quý, tôn trọng, tin cậy và vinh danh của đồng nghiệp, khách hàng.
  4. Tích cực tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nhằm không ngừng nâng cao kỹ năng chuyên môn, kiến thức và chất lượng công việc nhằm mục tiêu phục vụ khách hàng.

CHƯƠNG II: QUAN HỆ VỚI KHÁCH HÀNG

Điều 5. Trách nhiệm nghề nghiệp.

  1. Trọng tài viên chỉ chấp nhận giải quyết vụ tranh chấp nếu có đủ thời gian. Khi chấp nhận làm Trọng tài viên theo lựa chọn của khách hàng hoặc chỉ định của TRACENT, trọng tài viên phải tận tâm, nỗ lực giải quyết nhanh chóng theo quy định tố tụng trọng tài của TRACENT.
  2. Trọng tài viên phải nghiên cứu kỹ lưỡng các tình tiết và các lập luận trong vụ tranh chấp để hiểu biết đầy đủ và có quyết định đúng pháp luật.
  3. Trọng tài viên phải từ chối giải quyết tranh chấp trong trường hợp Trọng tài viên đó hoặc tổ chức hành nghề nơi Trọng tài viên đó là luật sư đang làm việc có các mối quan hệ về tài chính, kinh doanh, nghề nghiệp, gia đình và xã hội với ít nhất một trong các bên mà các mối quan hệ này đem lại lợi ích cho Trọng tài viên dưới các dạng khác nhau.
  4. Các Trọng tài viên thuộc Hội đồng Trọng tài phải đảm bảo có mặt đầy đủ tại các buổi làm việc, xác minh sự việc, thu thập chứng cứ, các phiên họp để tiến hành hoạt động trọng tài công bằng và hiệu quả, có trách nhiệm giải thích, tạo điều kiện cho các bên thực hiện bình đẳng các quyền và nghĩa vụ của mình. Trọng tài viên cần tạo điều kiện cho các bên hỏi và tranh luận với nhau; tránh tình trạng Trọng tài viên tự mình truy xét hoặc trực tiếp tranh luận với các bên.
  5. Trong quá trình tố tụng, Trọng tài viên không được gặp hoặc liên lạc riêng với luật sư hoặc người đại diện của bất kỳ bên nào để trao đổi các vấn đề liên quan đến vụ tranh chấp; khi cần thông báo phải công khai thực hiện đầy đủ cho tất cả các bên thông qua Chủ tịch Hội đồng Trọng tài hoặc Ban Thư ký TRACENT.

Điều 6. Bảo mật thông tin.

  1. Trọng tài viên phải thông báo cho các bên về các quy tắc bảo mật, không được tiết lộ thông tin liên quan đến vụ tranh chấp nếu không được bên đó đồng ý.
  2. Trọng tài viên có nghĩa vụ giữ bí mật nội dung tranh chấp và không được sử dụng các thông tin liên quan để gây lợi thế cho bản thân hoặc lợi thế cho những người khác, hoặc gây bất lợi đến lợi ích người khác.
  3. Trọng tài viên phải tổ chức các phiên họp và phiên giải quyết vụ tranh chấp không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Điều 7. Thù lao Trọng tài viên.

Trọng tài viên chấp nhận giải quyết vụ tranh chấp chỉ nhận thù lao phí trọng tài theo quy định của TRACENT, không được phép thỏa thuận với bất kỳ bên nào hoặc Luật sư của bất kỳ bên nào về thù lao hoặc phí bổ sung.

CHƯƠNG III: QUAN HỆ VỚI ĐỒNG NGHIỆP, VỚI TRACENT VÀ CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHÁC

Điều 8. Bảo vệ danh dự, uy tín của giới Trọng tài viên.

Trọng tài viên có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ danh dự và uy tín của giới trọng tài viên cũng như bảo vệ danh dự và uy tín của cá nhân mình; giữ gìn sự đoàn kết nội bộ, góp phần xây dựng đội ngũ trọng tài viên trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tôn trọng và tin cậy của xã hội.

Điều 9. Tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp.

  1. Trọng tài viên phải có thái độ tôn trọng, hỗ trợ đồng nghiệp. Việc phê bình xây dựng đồng nghiệp được thực hiện đúng nơi, đúng lúc và thẳng thắn trên tinh thần xây dựng.
  2. Có ý thức hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp trong hành nghề cũng như trong cuộc sống; góp ý kịp thời khi thấy đồng nghiệp có biểu hiện, hành vi sai trái, ảnh hưởng đến uy tính nghề nghiệp.

Điều 10. Quan hệ với TRACENT.

  1. Trọng tài viên có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của TRACENT; chấp hành nghiêm chỉnh điều lệ, nghị quyết, quyết định, quy chế, nội quy của TRACENT.
  2. Thực hiện đầy đủ và đúng hạn các nghĩa vụ tài chính (góp vốn, góp cổ phần, phí sinh hoạt hằng năm…) của TRACENT.
  3. Tham gia các hoạt động và nhiệm vụ khác khi được TRACENT phát động và phân công.
  4. Có tinh thần học hỏi, ứng xử văn minh, lịch sự khiêm tốn đối với các đồng nghiệp hoặc các tổ chức nghề nghiệp khác.

Điều 11. Những việc Trọng tài viên không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp và TRACENT.

  1. Xúc phạm hoặc có hành vi làm tổn hại uy tín của đồng nghiệp và TRACENT.
  2. Gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội với đồng nghiệp để giành lợi thế cho mình trong hành nghề.
  3. Hợp tác với cá nhân, tổ chức có khả năng gây áp lực hoặc cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải quyết tranh chấp (khách hàng) phải lựa chọn mình vì mục đích lợi nhuận.

Điều 12. Quan hệ với tổ chức, cá nhân khác.

Trọng tài viên tuân thủ quy định của pháp luật trong khi làm việc với các cơ quan nhà nước, cá nhân, tổ chức khác với thái độ lịch sự, tôn trọng.

CHƯƠNG IV: KIỂM TRA, GIÁM SÁT, KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 13. Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ Quy tắc đạo đức hành nghề trọng tài.

Ban điều hành, Ban thi đua khen thưởng và Trọng tài viên của TRACENT có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Quy tắc đạo đức hành nghề trọng tài đối với Trọng tài viên của TRACENT.

Điều 14. Khen thưởng và xử lý vi phạm.

  1. Trọng tài viên gương mẫu thực hiện Quy tắc đạo đức hành nghề trọng tài thì được khen thưởng theo quy chế thi đua khen thưởng và kỷ luật của TRACENT.
  2. Trọng tài viên thực hiện không đúng Quy tắc đạo đức hành nghề trọng tài thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị nhắc nhở phê bình, khiển trách, xử lý kỷ luật theo Điều lệ của TRACENT.

CHƯƠNG V: SỬA ĐỔI, BỔ SUNG QUY CHẾ VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Sửa đổi và bổ sung Quy tắc

Quy tắc này có thể được sửa đổi, bổ sung theo đề nghị của toàn thể trọng tài viên TRACENT để phù hợp với tình hình và điều kiện hoạt động thực tế và phải được toàn thể trọng tài viên TRACENT thông qua.

Điều 16. Điều khoản thi hành

Quy tắc này đã được toàn thể trọng tài viên TRACENT thông qua ngày 27 tháng 01 năm 2018, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 03 năm 2018.